Tin tức ngành nghề
Diện mạo ngành Du lịch Việt Nam năm 2025
Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 phấn đấu đón từ 25 – 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 – 9%/năm. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 509 ngày 13/6 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Năm 2025 phấn đấu đón từ 25 – 28 triệu lượt khách quốc tế
Tại quy hoạch đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Cụ thể, năm 2025, Việt Nam phấn đấu đón 25-28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng 13-15%/năm và đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa 4-5%/năm.
Về hiệu quả kinh tế, năm 2025 ngành du lịch dự kiến đóng góp trực tiếp 8-9% trong GDP và đạt 13-14% GDP vào năm 2030.
Đến năm 2045, du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế. Việt Nam trở thành điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngành du lịch phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế, tổng thu khoảng 7.300 tỷ đồng, đóng góp 17-18% GDP.
Để thực hiện các mục tiêu trên, quy hoạch đề ra nhiệm vụ cụ thể với từng thị trường. Trong đó, thị trường nội địa giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục duy trì và phát triển, giai đoạn 2026-2030 khai thác các phân đoạn thị trường chi trả cao, lưu trú dài ngày, các thị trường mới về du lịch golf, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm.
Với thị trường quốc tế, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam ưu tiên phục hồi các thị trường truyền thống, kết hợp thu hút các thị trường mới nổi như Ấn Độ và các nước Trung Đông.
Giai đoạn 2026-2030 duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống, các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Nga và Đông Âu, châu Đại dương; đồng thời đa dạng hóa các thị trường, chuyển dịch theo hướng tăng thị phần khách có khả năng chi trả cao.
Chia sẻ về tiềm năng khai thác thị trường du lịch mới nổi như Ấn Độ, Chủ tịch LuxGroup Phạm Hà cho rằng, các hãng lữ hành, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cần chủ động nắm bắt các đặc điểm tâm lý của người Ấn.
“Tất cả các thị trường nói chung đều quan tâm về giá, nhưng du khách Ấn là thị trường nhạy cảm về giá. Họ sẽ cố gắng lấy được thông tin về giá cả các dịch vụ cho chuyến đi để làm cơ sở đàm phán giá với đối tác. Họ tự coi mình là chuyên gia về du lịch, nên thường dành nhiều thời gian để nghiên cứu về điểm đến, giá cả trước khi lựa chọn điểm đến”, ông Hà chia sẻ.
Tăng cường liên kết giữa địa phương – doanh nghiệp
Để đạt được mục tiêu trong năm tới, thu hút nhiều khách quốc tế đến Việt Nam hơn nữa, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, trước mắt cần tập trung khai thác tốt chính sách thị thực mới mà Chính phủ đã ban hành; tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp.
Muốn thu hút khách phải có sản phẩm phù hợp, muốn vậy phải có chính sách thích hợp, việc triển khai chính sách chậm và khó sẽ khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ Thế Bình cho rằng, cần có chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia, các tỉnh thành dành kinh phí thực hiện xúc tiến theo đúng chiến lược đó thu hút được khách vào.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ phát huy những hiệu quả đang có, lan toả và xây dựng kế hoạch chinh phục mục tiêu mới trong năm 2025.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định những nội dung cụ thể về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Đó là, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc…
Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình. Để tạo đột phá trong phát triển du lịch, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.