Vui cười trong ngành
Truyện cười dân gian Việt Nam
Bên cạnh tiếng cười sảng khoái bạn đọc còn rút ra những bài học hay về cuộc sống thông qua những câu truyện cười dân gian. Đừng bỏ qua những câu truyện cười dân gian Việt Nam hài hước mà đầy ý nghĩa dưới đây nhé.
Tam đại con gà
Xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời “Xấu hay làm tốt, dốt hay chơi chữ”, đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt.
Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy trẻ. Một hôm, dạy sách Tam thiên tự, sau chữ “tước” là chim sẻ, đến chữ “kê” là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: “Dủ dỉ là con dù dì”. Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ, tuy vậy, trong lòng thầy vẫn thấp thỏm.
Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới đến khấn thầm xin ba đài âm dương để xem chữ ấy có phải thật là “dù dì” không. Thổ công cho ba đài được cả ba.
Thấy vậy, thấy lấy làm sắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào:
– Dủ dỉ là con dù dì! Dủ dỉ là con dù dì…
Bố chúng đang cuốc đất ngoài vườn, nghe tiếng học, ngạc nhiên bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem, hỏi thầy:
– Chết chửa! Chữ “kê” là gà, sao thầy lại dạy ra “dủ dỉ” là con “dù dì”?
Bấy giờ thầy mới nghĩ thầm: “Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa”, nhưng nhanh trí thầy vội nói gỡ:
– Tôi vẫn biết chữ ấy là chữ “kê” mà “kê” nghĩa là “gà” nhưng tôi dạy cháu thế là dạy cho cháu nó biết tận tam đại con gà kia.
Chủ nhà càng không hiểu, hỏi:
– Tam đại con gà là nghĩa ra làm sao?
– Thế này nhé! Dủ dỉ là chị con công, con công là ông con gà.
Điếc… cả làng
Hai ông bà điếc sanh đặng một đứa con gái cũng điếc, rầu mình vô phước, phần mình già cả chẳng nói làm gì, còn con mình tật nguyền điếc lác biết gởi cho ai để gởi thân cho nó nhờ? Mà nghĩ lại mình cũng lớn ruộng nhiều trâu thế cũng có khi có rể.
Vậy, thấy có một đứa con trai lịch sự cách xa vài làng, năng vô ra tới lui trong làng thì kêu nó mà gả, chẳng ngờ nó cũng điếc. Cưới hỏi xong xạ, nó về ở với cha mẹ vợ, cha biểu đứa con gái nói nó ra coi cày bừa đám ruộng ở bên lề đường.
Nó nghe liền vác cày ra cày. Có ông quan đi ngang qua đó, mà là quan kinh mới nhậm đứng lại hỏi thăm nó đường đi vô dinh quan phủ. Nó chẳng lành thì chớ, điếc nghe không rõ, tưởng ông quở nó cày sao cày bậy ruộng ông chăng ; nên vọt miệng mắng: “Ruộng tôi tôi cày, sao ông nói ruộng của ông? Ông này ngang quá ghẹ đi cà!”.
Ông quan thấy nó dễ ngươi thì biểu quân rượt đánh nó. Nó đâm đầu chạy về nhà, vợ nó đang ngồi nấu cơm trong bếp, nó đạp cho 2 – 3 đạp chúi vào trong bếp: “Ruộng nào, ở đâu mà mày chỉ bậy cho tao cày làm người ta đánh tao cờ bơ cờ bất, cũng là tại mày lếu”.
Con vợ kia nói: “Dữ không? Đợi một phút chờ người ta nấu dọn cho mà ăn không được à, làm gì bất nhơn làm vậy?”.
Kế thấy mẹ nó đi chợ leng teng bưng rổ về; con gái ra méc, nói sao chồng độc dữ quá đạp nó làm vậy. Bả thấy bộ nó giận quạu quọ thì ngờ nó nói sao mình đi chợ 5 tiền mà… ăn bánh ăn hàng đi hết đó. May đâu ổng đi tát đìa quảy vịt về, bả liền chạy ra nói: “Tôi ăn bánh ăn hàng ở đâu mà con nó nói thêm nói thừa cho tôi!”.
Ông nghe không rõ, tưởng bả nói sao mình bắt cá cho ai, thì mới nói: “Nào tôi có bắt cá cho ai đâu, đặng con nào bỏ vịt con nấy đem về mà nói cho ai? Có chứng lão cày một đó. Bà ra hỏi lão mà coi!”.
Nắm tay bả dắt ra ngoài đồng lại hỏi lão cày: “Chớ lão thấy tôi bắt cá mà cho ai không?”.
Chẳng may lão cày cũng lảng tai, tưởng là nói lão có khuấy chơi lấy quần giấu đi chăng (thấy ông đóng khố thì hiểu làm vậy) cho nên mới nói: “Nào! Tôi sớm mai tới giờ cứ cày hoài tôi có qua chi bển mà biết quần ông để đâu mà giấu? Ông già khéo nghi bậy không!”.
Đậu phụ mắm tôm
Hai ông đồ rủ nhau vào hàng đánh chén. Nhìn vào đĩa đậu phụ trên mâm, một ông nói:
– Tôi ra một câu, ông đối được cho thông thì tôi chịu tiền cả, đối không thông thì ông chịu tiền cả.
Ông kia bằng lòng.
– Nướng đậu phụ cho cha ăn. Ðối đi!
Ông kia ngẫm nghĩ một lát, rồi đọc:
– Sắc ích mẫu cho mẹ uống. Ông trả tiền nhé!
Ông ra câu đối hơi hoảng. Nhưng rồi ông ta trấn tĩnh được thong thả nói:
– Ðối sát đấy. Phụ là cha đối với mẫu là mẹ, uống đối với ăn. Có điều thông thì chưa thông.
– Thông thế nào nữa?
– Ðậu phụ không có mắm tôm thì ăn vói gì? Ăn với ích mẫu được ư? Ðối thế này mới thông: Lấy mắm tôm cho mẹ chấm. Ông trả tiền chứ!