Ngành Việt Nam học – Viết tiếp sứ mệnh dở dang

Tính đến thời điểm hiện tại ngành Việt Nam học đã có nhiều bước chuyển mình, nhưng theo GS.TS Lê Huy Bắc, trưởng khoa Việt Nam học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), ngành Việt Nam học mới dừng ở mức dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, cung cấp kiến thức nền và nghề cơ bản cho người Việt tìm kiếm công việc linh hoạt ở các lĩnh vực báo chí, văn hóa và du lịch.

Ngành Việt Nam học
Ngành Việt Nam học – Viết tiếp sứ mệnh dở dang

Những trở ngại của ngành Việt Nam học

Theo những gì GS Lê Huy Bắc quan sát thì nhiều nước đã biến được nền văn hóa thành “sức mạnh mềm”. Họ có chiến lược quảng bá rõ ràng trong các lĩnh vực như du lịch, ẩm thực, trang phục, âm nhạc, điện ảnh…, tức những gì rất thiết thực mà xã hội hiện đại quan tâm. Ở Việt Nam, để văn hóa trở thành “sức mạnh mềm” thì cần chiến lược ở tầm quốc gia.

Ví dụ, chúng ta có gạo “ngon nhất thế giới” thì đi cùng sản phẩm cũng phải quảng bá về vùng đất và cách thức sản xuất ra nó. Vùng đất ấy có lịch sử, đặc điểm địa lý thế nào, liên quan gì tới dòng Mekong chung chảy qua nhiều quốc gia và cần bảo tồn ra sao?

Ở đây nếu có chiến lược bài bản, không chỉ quảng bá văn hóa, phát triển du lịch mà còn góp phần tạo nên quyền lực mềm của các quốc gia có chung dòng chảy Mekong, làm sao để hợp tác, bảo vệ những giá trị chung, không phá vỡ môi trường tự nhiên… Trong bối cảnh toàn cầu hóa thì những chiến lược liên văn hóa kiểu đó là việc cần tính đến về lâu dài.

Làm sao để thay đổi cục diện

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển ngành Việt Nam học, thầy Bắc thấy chưa bao giờ nó được đề cao như bây giờ. Có lẽ trong bối cảnh hội nhập thì những gì thuộc về bản sắc quốc gia sẽ được nghĩ đến nhiều hơn.

Nhưng có một thực tế buồn không thể phủ nhận là trong khi người Việt học tiếng Nhật, tiếng Hàn để đi xuất khẩu lao động, nhiều người Nhật, người Hàn sang Việt Nam học tiếng Việt để đầu tư kinh tế, để làm ông chủ trên chính đất nước ta. Họ học tiếng, hiểu về Việt Nam để mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa của họ.

Những người nghiên cứu về ngành Việt Nam học thường có xuất phát điểm nghiên cứu chuyên sâu một lĩnh vực nào đó như lịch sử, ngôn ngữ, văn học… Ở một số nước như Đức, Mỹ, Hàn Quốc, những học giả quan tâm tới Việt Nam cũng bắt đầu từ nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, ngôn ngữ… So với cộng đồng nghiên cứu chuyên về văn hóa các quốc gia, khu vực thì nghiên cứu về Việt Nam vẫn mỏng và không toàn diện.

phát triển ngành Việt Nam học
Quá trình hình thành và phát triển ngành Việt Nam học

Còn chúng ta, chưa có một nhà nghiên cứu Việt Nam học nào trong nước có tầm cỡ quốc tế. Chúng ta cứ hay đóng cửa tự khen nhau, nhưng để trở thành một học giả tầm cỡ quốc tế thì minh chứng thuyết phục nhất là phải có các công bố quốc tế. Trong khi công bố quốc tế về Việt Nam học của ta nói chung rất hiếm. Thế giới hầu như chẳng biết một nhà Việt Nam học người Việt đúng nghĩa nào.

Những hội thảo khoa học quốc tế của ta tổ chức đúng là đã gây được sự chú ý, thu hút hàng trăm học giả các quốc gia khác tham dự. Nhưng tại chính những sự kiện này, cũng hiếm những tiếng nói có trọng lượng của giới nghiên cứu trong nước. Học giả Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài lại càng ít. Có nhiều khó khăn như tài chính, ngoại ngữ, nhưng quan trọng nhất vẫn là không đủ năng lực nghiên cứu, thiếu những thành quả nghiên cứu có giá trị đương đại để có tiếng nói tại những sự kiện như thế.

Để khẳng định giá trị văn hóa, bản sắc Việt Nam trong tư thế chủ động thì phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong giới học thuật của các nhà nghiên cứu của Việt Nam, rồi lan tỏa bằng các chiến lược trong nhiều lĩnh vực.

Việt Nam học và việc làm

Sinh viên ngành Việt Nam học có thể làm việc trong lĩnh vực văn hóa như bảo tồn, bảo tàng, ở các viện nghiên cứu văn hóa, báo chí truyền thông, quản trị du lịch, lữ hành… Bắt đầu từ một số nơi, như ĐH Đà Lạt, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Hà Nội.

Hiện có nhiều trường mở đào tạo ngành Việt Nam học, bao gồm cả những trường thuộc khối công nghệ kỹ thuật, với chỉ tiêu khá lớn. Ở những nơi như thế, ngành Việt Nam học chủ yếu hướng sinh viên đến lĩnh vực du lịch. Có những trường tôi biết dành đến 500 chỉ tiêu/năm để đào tạo ngành này, chủ yếu phục vụ du lịch.

Việc làm ngành Việt Nam học
Việt Nam học và việc làm

Dù vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình phát triển; song ngành Việt Nam học đến nay vẫn đủ sức ảnh hưởng đến đời sống xã hội trong và ngoài nước. Nếu hiểu và được định hướng đúng thì những bạn trẻ theo học ngành Việt Nam học hoàn toàn có thể tạo ra những giá trị mới cho chuyên ngành này.